Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác soạn thảo, ban hành nghị quyết của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh, nhất là các nghị quyết là văn bản QPPL đã dần dần đi vào nề nếp, chất lượng ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng các yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương. Thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND năm 2004, Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005, hàng năm HĐND các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình trong việc ban hành văn bản QPPL để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương và cơ quan Nhà nước cấp trên, quyết định các chủ trương, chính sách của địa phương, tạo cơ sở, hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội đi vào khuôn khổ pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Tính từ đầu nhiệm kỳ (2011-2016) đến nay, HĐND tỉnh Cà Mau khóa VIII đã ban hành 81 nghị quyết, trong đó có 43 nghị quyết là văn bản QPPL. Qua theo dõi, giám sát việc ban hành và tổ chức thực hiện, chúng tôi nhận thấy, hầu hết văn bản QPPL do HĐND tỉnh Cà Mau ban hành trong thời gian qua về cơ bản đảm bảo đúng thể thức, thẩm quyền. Quá trình xây dựng, ban hành nghị quyết luôn được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng đoàn và Thường trực HĐND tỉnh, sự chỉ đạo của UBND tỉnh kịp thời cụ thể hóa các nội dung, quy định của Trung ương phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật của các cơ quan cấp trên; thể hiện sự bao quát trên các các lĩnh vực, các vấn đề cần điều chỉnh trong phạm vi địa phương. Cùng với hệ thống văn bản QPPL của Trung ương và Bộ, ngành cấp trên, các văn bản QPPL của HĐND các cấp trong tỉnh ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình; tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của các cơ quan tổ chức, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ban hành văn bản QPPL của HĐND trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: chưa tuân thủ đúng quy trình, thủ tục trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản QPPL; chất lượng Chương trình lập quy hàng năm của HĐND tỉnh chưa cao; năng lực “dự báo” của một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh vẫn còn hạn chế; việc ban hành văn bản ngoài chương trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL hàng năm của HĐND tỉnh còn nhiều. Chất lượng soạn thảo một số văn bản QPPL chưa đáp ứng yêu cầu; một số trường hợp chưa xác định đúng thẩm quyền ban hành văn bản theo quy định; công tác tổ chức lấy ý kiến dự thảo văn bản QPPL trong một số trường hợp chưa đảm bảo, chưa đúng đối tượng chịu sự tác động của văn bản, còn mang tính hình thức; việc gửi thẩm định một số văn bản chưa đảm bảo thời gian và hồ sơ thủ tục, chất lượng thẩm định chưa cao; quy trình cũng như kỹ thuật soạn thảo, trình bày một số nghị quyết chưa khoa học và hợp lý, một số quy định còn chung chung, thiếu chi tiết và giải pháp khả thi, chưa chú trọng đến các điều kiện đảm bảo thi hành trong thực tế; công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của một số cơ quan chuyên môn chưa đạt yêu cầu, chưa kịp thời phát hiện những văn bản “nguồn” là căn cứ ban hành của văn bản QPPL đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế để có hướng xử lý, sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL của HĐND tỉnh một cách kịp thời, có hiệu quả…
Trước yêu cầu ngày càng cao của việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật và tăng cường pháp chế XHCN, việc ban hành văn bản QPPL của HĐND các cấp nói chung, của HĐND tỉnh Cà Mau nói riêng đòi hỏi phải được quan tâm đặc biệt, để vừa đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật nước nhà, vừa đảm bảo tính khả thi và hiệu lực, hiệu quả.
Từ thực trạng trên, cần nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được cũng như những thuận lợi của công tác soạn thảo, ban hành các văn bản QPPL ở địa phương, đơn vị thời gian qua; rút ra kinh nghiệm, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy trình soạn thảo, ban hành văn bản QPPL của HĐND theo quy định; những bất cập từ các quy định của pháp luật, từ việc áp dụng pháp luật, từ quy định của địa phương và thực tiễn công tác soạn thảo, ban hành văn bản QPPL của HĐND trên địa bàn tỉnh… Từ đó, đề xuất các giải pháp có tính khả thi cao, góp phần từng bước đưa công tác này đi vào nề nếp, có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật.
Phạm Ngọc